COVID-19 ở Myanmar: “Tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong nhiều tuần tới”
16 July 2021 | Reporting ASEAN
Đọc tiếng Anh tại đây |tiếng Myanmar tại đây
Tình hình đại dịch COVID-19 tại Myanmar đang trong tình trạng khẩn cấp diễn ra nhanh chóng, và tệ hơn những gì chúng ta được biết. “Cơ sở vật chất hoạt động quá công suất, nguồn cung oxygen bị hạn chế, việc chích vaccine bị trì trệ, tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong nhiều tuần tới”, bà Marjan Besuijen, người đứng đầu phái bộ Medecins Sans Frontieres (MSF), tổ chức Bác sĩ Không Biên giới, tại Myanmar, cho biết trong buổi phỏng vấn với người sáng lập, biên tập viên của dự án Reporting ASEAN, Johanna Son.
Số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 từ cuối tháng 6.2021 không còn là những con số trên biểu đồ, mà là số liệu “biết nói” cho thấy những thiệt hại nặng nề về người do COVID-19 gây ra ở Myanmar, và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đại dịch COVID-19 tại Myanmar có thời điểm bị lãng quên vì cái bóng của cuộc chính biến, khiến hệ thống y tế sụp đổ từ ngày 1.2.2021.
Reporting ASEAN: Với những hiểu biết và kinh nghiệm của MSF tại Myanmar, tình hình dịch bệnh tại đây đang như thế nào?
Marjan Besuijen: Với số ca hàng ngày lên tới 5.000 ca, Myanmar đang hứng chịu làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 3. Nhưng rất khó để biết toàn cảnh tình hình do việc xét nghiệm chưa đạt đến mức đáng có. Tỷ lệ dương tính với virus corona chủng mới khoảng 35% từ 15.000 xét nghiệm mỗi ngày cho thấy việc lây nhiễm có thể lan rộng hơn những số liệu được công bố. Sẽ không thể có cái nhìn toàn diện cho đến khi việc xét nghiệm được tăng cường để có số liệu rõ ràng hơn.
Chúng tôi cũng theo dõi các trường hợp tiềm ẩn tại các phòng khám và nhận thấy nhiều ca nghi nhiễm cần được cách ly.
Q: Có vẻ như một thảm họa sắp xảy ra. Hệ thống y tế Myanmar cũng gần như sụp đổ sau chính biến. Đâu là những khó khăn phải đối mặt?
Marjan: Chúng tôi lo lắng về việc tiếp cận y tế. Việc mua sắm trang thiết bị, chuỗi cung ứng y tế, dòng tiền trong bối cảnh ngành ngân hàng đóng cửa, hệ thống y tế công cộng sụp đổ, và tất cả những điều trên sẽ tác động nghiêm trọng đến tính sẵn có và khả năng tiếp cận của dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho những người cần nhất.
Làn sóng COVID-19 thứ ba này sẽ làm phức tạp tất cả những vấn đề trên, làm tồi tệ thêm các dịch vụ y tế công cộng vốn đã ít ỏi, đẩy nhiều người vào cảnh nghèo đói hơn khi nền kinh tế bị ảnh hưởng, hạn chế sự di chuyển của hàng hóa và con người, đồng thời sẽ có nhiều ca tử vong đáng lẽ có thể ngăn ngừa được khắp cả nước.
Myanmar rất cần sự đối phó với đại dịch toàn diện và phối hợp, bao gồm giám sát, điều trị và vaccine, với sự tham gia của nhiều tầng lớp xã hội. Việc này cần các kênh cung ứng an toàn, tiền mặt có sẵn và cho phép các tổ chức nhân đạo tiếp cận để đáp ứng những khu vực có nhu cầu lớn nhất.
Q: Chỗ trống nào cho những tổ chức nhân đạo? Nhiều bác sĩ trước đó biểu tình đang cố gắng làm việc ngoài hệ thống, với những trang thiết bị ngầm hay giúp mọi người trực tuyến. Các tổ chức nước ngoài có thể giúp gì thêm không?
Marjan: Dịch COVID-19 đã lan rộng khắp. Việc đối phó với dịch ở mức độ quốc gia nằm ngoài phạm vi của lĩnh vực nhân đạo. Myanmar đang rất cần việc phản ứng với đại dịch toàn diện và phối hợp, bao gồm việc giám sát, chữa trị, và tiêm vaccine với nhiều tầng lớp xã hội. Bác sĩ và y tế đang cố gắng hoạt động ngoài hệ thống, ví dụ, những phòng khám ngầm, nhưng phải đối mặt với những cuộc tấn công, bắt giữ từ chính phủ quân đội, càng khiến việc tiếp cận y tế khó khăn hơn. Những sáng kiến phi chính phủ này tất nhiên rất hữu ích, nhưng họ lại hoạt động rời rạc, thiếu sự hợp tác và năng lực cần thiết để tạo ra tác động nhất định chống lại đại dịch.

Q: Bà có thể cho biết thêm về khả năng của hệ thống y tế sau chính biến?
Marjan: 80% dịch vụ y tế của Myanmar cung cấp thông qua hệ thống công, và hệ thống này chỉ đang hoạt động một phần nhỏ năng suất của nó. Nhiều bệnh viện, phòng khám đang đóng cửa sau khi quân đội lên nắm quyền và những nhân viên y tế tham gia vào các hoạt động biểu tình. Những nơi đang mở cửa không thể cung cấp hết các dịch vụ. Mọi người phải di chuyển xa hơn rất nhiều để được chữa trị hay trả tiền cho các phòng khám tư, nhiều khi rất đắt.
Các chương trình về HIV/AIDS và bệnh lao của chính phủ hầu như không hoạt động kể từ tháng 2. MSF đã chứng kiến hơn 3.000 bệnh nhân từ các chương trình này trở lại phòng khám của chúng tôi. Chúng tôi đã bắt đầu chẩn đoán và điều trị lại cho khoảng 400 bệnh nhân HIV mới, vì không thể được xét nghiệm và điều trị trong hệ thống công cộng, nhiều người trong số họ đã bị nhiễm nặng.
Q: Các phong trào biểu tình ảnh hưởng như thế nào đến lĩnh vực y tế, đối phó với dịch COVID-19 và việc sẵn lòng tiêm vaccine? Hành động không tiêm vaccine cũng là một cách biểu tình.
Marjan: Trước khi quân đội lên nắm quyền, chiến dịch tiêm vaccine đã bắt đầu và một số nhân viên y tế đã được tiêm mũi đầu tiên. Nhưng sau sự kiện ngày 1.2, nhiều người không tiêm mũi 2 hoặc từ chối tiêm vaccine từ một thể chế mà họ cho là bất hợp pháp. Đã có một lô vaccine hết hạn vào tháng 5 và có thời điểm, những ai trên 18 tuổi đều có thể đến các trung tâm tiêm chủng để tiêm vaccine COVID-19, vì số lượng đăng ký tiêm quá thấp, họ không cần phải trong nhóm nguy cơ cao để được chích ngừa. Hệ quả của các chiến dịch này đã được thấy rất rõ. Thêm nữa, nhiều nhân viên y tế đang đình công, nên thậm chí khi vaccine được chuyển đến Myanmar, chính phủ hiện tại cũng thiếu nguồn nhân lực để tiêm chủng.
Q: Trong khi số ca nhiễm theo dữ liệu của WHO và một số trang quốc tế khác vẫn được cập nhật, thì số liệu về vaccine ngừng từ đầu tháng 6. Việc này thể hiện điều gì? Thậm chí nếu được báo cáo, các số liệu này cũng rõ ràng là đang tăng, điều này có thể xem là dấu hiệu không tốt?
Marjan: Chúng tôi không thể nói về tính tin cậy của các số liệu, nhưng chúng tôi biết chắc rằng việc xét nghiệm đang không đúng mức nên các dữ liệu được công bố thấp hơn nhiều so với tổng số ca nhiễm. Các con số quan trọng là tỉ lệ phần trăm dương tính, đang ở mức 35% là rất cao, và thực tế số ca nhiễm và tử vong hàng ngày tăng. Sự gia tăng này khá rõ ràng và tệ hơn so với những số liệu đã được công bố.
Q: Khi ngày càng có nhiều biến chủng và thậm chí những quốc gia khác đang chật vật, tình hình ở Myanmar như thế nào?
Marjan: Cơ sở vật chất hoạt động quá công suất, nguồn cung oxygen bị hạn chế, việc chích vaccine bị trì trệ, tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong nhiều tuần tới. Một số nơi như Sittwe ở Rakhine không có điểm xét nghiệm. Nhiều bệnh viện ở Yangon không còn nhận bệnh nhân COVID-19 nữa. Nếu quân đội không nắm quyền, nhiều người đã tiêm vaccine và sẽ có hệ thống y tế hoạt động để xét nghiệm các ca nghi nhiễm, cách ly những người ma81c1 COVID-19 và chữa trị nếu cần.
Q: Chúng ta có đang nghĩ về nhiều thảm họa y tế? Những tác động lên việc quản lý và chữa trị HIV, cũng như tiêm chủng cho trẻ em. Đâu là quan ngại lớn nhất?
Marjan: Như đã nói, lo lắng lớn nhất là việc tiếp cận y tế. Chúng tôi cũng lo về việc gián đoạn chữa trị lao, phổi và HIV, có thể xóa đi nhiều năm tiến bộ để giải quyết những bệnh này. Số người điều trị ARV (kháng virus HIV) tăng từ 40.128 người (năm 2011) lên 146.826 người (cuối năm 2017). Số ca tử vong liên quan đến AIDS giảm 52% từ năm 2000-2016. Nếu mọi người không thể điều trị ARV đúng lộ trình, phần lớn tình hình khả quan này sẽ bị mất đi.